Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

Dịch vụ xin cấp Giấy phép môi trường

1. Các quy định về giấy phép môi trường hiện hành

Hiện nay, các văn bản luật, nghị định về giấy phép môi trường gồm:

1.1. Giấy phép môi trường là gì?

Căn cứ theo Khoản 8 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường.

Giấy phép môi trường có tên tiếng Anh là Environmental License hoặc Environmental Permit. Mẫu giấy phép môi trường được hướng dẫn cụ thể tại Mẫu số 40 Phụ lục III của Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.

1.2. Đối tượng phải có giấy phép môi trường

Theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường, những đối tượng phải có giấy phép môi trường gồm:

  • Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức;
  • Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III trên;

1.3. Giấy phép môi trường gồm những gì?

Theo Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường, giấy phép môi trường gồm những nội dung sau:

  • Thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;
  • Nội dung cấp phép môi trường bao gồm:
    • Nguồn phát sinh nước thải; lưu lượng xả tối đa; dòng nước thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm; vị trí, phương thức xả và nguồn tiếp nhận nước thải;
    • Nguồn phát sinh khí thải; lưu lượng xả tối đa; dòng khí thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm; vị trí, phương thức xả khí thải;
    • Nguồn phát sinh và giá trị giới hạn đối với tiếng ồn, độ rung;
    • Công trình, hệ thống thiết bị xử lý chất thải nguy hại; mã chất thải nguy hại và khối lượng được phép xử lý, số lượng trạm trung chuyển chất thải nguy hại, địa bàn hoạt động đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;
    • Loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
  • Yêu cầu về bảo vệ môi trường;
  • Thời hạn của giấy phép môi trường;
  • Nội dung khác (nếu có).

1.4. Khi nào phải làm giấy phép môi trường?

  • Trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, trừ trường hợp đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý trước ngày 01/01/2022 đối với dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường;
  • Trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một trong số các văn bản sau đối với dự án không phải đánh giá tác động môi trường:
    • Cấp, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản;
    • Phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ đối với dự án đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí;
    • Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
    • Kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư xây dựng;
    • Quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư;
    • Cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng;
  • Trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày 01/01/2022 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có tiêu chí môi trường thuộc trường hợp phải cấp phép môi trường trừ trường hợp đã được cấp giấy phép môi trường thành phần.

2. Điều kiện để được cấp giấy phép môi trường

 

Điều kiện cấp giấy phép môi trường
Điều kiện cấp giấy phép 

Căn cứ Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường 2020, để được cấp giấy phép môi trường, dự án đầu tư, cơ sở phải đáp ứng được các điều kiện cấp phép dưới đây:

  • Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định (nếu có);
  • Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo đúng quy định;
  • Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);
  • Quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
  • Các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và quy định khác của pháp luật có liên quan;

3. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường

Căn cứ theo Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường, trình tự thủ tục xin cấp phép môi trường gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường gồm:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép môi trường;
  • Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường;
  • Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Tùy thuộc vào từng loại dự án đầu tư, cơ sở, chủ dự án đầu tư, cơ sở nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền bằng một trong ba hình thức: nộp trực tuyến, qua đường bưu điện hoặc nộp thông qua Cổng  Dịch vụ công trực tuyến.

Tùy thuộc vào từng loại dự án mà tổ chức, cá nhân xin cấp phép cần lưu ý để tránh nộp hồ sơ xin cấp phép muộn:

  • Trường hợp phải thực hiện đánh giá tác động môi trường thì chủ dự án nộp sau khi đã hoàn thành công trình xử lý chất thải;
  • Trường hợp đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải trước ngày 01/01/2022 thì phải nộp hồ sơ đảm bảo phải có giấy phép môi trường sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm nhưng chậm nhất là 30 ngày đối với giấy phép do UBND cấp tỉnh, huyện cấp và 45 ngày đối với các giấy phép còn lại. Tương tự thời điểm nộp hồ sơ đối với chủ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;
  • Các trường hợp còn lại nộp hồ sơ sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định;

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

  • Sau khi chủ dự án, cơ sở nộp hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ xin cấp phép:
    • Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ nhận được thông báo bổ sung hoàn thiện hồ sơ;
    • Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định, kiểm tra hồ sơ:
      • Đối với dự án đầu tư, cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ thẩm định, tổ thẩm định có trách nhiệm tổ chức khảo sát thực tế tại khu vực dự kiến triển khai dự án đầu tư;
      • Đối với cơ sở đang hoạt động, cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế tại cơ sở.
  • Trong quá trình thẩm định, kiểm tra, nếu hồ sơ phải chỉnh sửa, bổ sung để bảo đảm đủ căn cứ cho việc cấp phép, cơ quan cấp phép có thông báo bằng văn bản đến chủ dự án nêu rõ nội dung phải chỉnh sửa, bổ sung;
  • Bên cạnh đó, cơ quan cấp phép thực hiện công khai nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường trên trang thông tin điện tử trừ dự án thuộc bí mật nhà nước, bí mật doanh nghiệp và gửi tham vấn ý kiến đến cơ quan quản lý tùy thuộc vào từng lĩnh vực cấp phép trừ trường hợp dự án đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo tác động môi trường và không thay đổi nội dung liên quan đến hoạt động xả thải ra môi trường;
  • Căn cứ kết quả thẩm định, cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư, cơ sở đáp ứng được điều kiện xin cấp phép:
    • Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép thì phải có văn bản thông báo trả hồ sơ và nêu rõ lý do;
    • Trường hợp hồ sơ phải chỉnh sửa, bổ sung để bảo đảm căn cứ cấp phép, trong thời hạn 15 ngày đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, 10 ngày đối với giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp và 05 ngày đối với giấy phép do UBND cấp huyện cấp, cơ quan cso thẩm quyền phải cấp giấy phép cho chủ dự án, cơ sở. Trường hợp không cấp phép thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do không cấp phép.

Cần lưu ý một số dự án đầu tư, cở sở xin cấp giấy phép môi trường được thực hiện thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, mọi thủ tục tiếp nhận và trả kết quả được làm bằng hình thức trực tuyến:

  • Dự án đầu tư, cơ sở không thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải;
  • Dự án đầu tư, cơ sở đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và đáp ứng các yêu cầu sau đây: không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; không thuộc trường hợp phải quan trắc khí thải tự động, liên tục, quan trắc định kỳ.

4. Thẩm quyền cấp Giấy phép môi trường

 

Thẩm quyền cấp giấy phép môi trường
Thẩm quyền cấp giấy phép 

Theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường gồm:

  • Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép cho các dự án sau trừ các dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng an ninh:
    • Đối tượng phải có giấy phép môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
    • Dự án đầu tưu nằm trên địa bàn 02 tỉnh trở lên, vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của UBND cấp tỉnh; cơ sở nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý rác thải.
  • Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh;
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp phép môi trường:
    • Đối với dự án đầu tư nhóm II hoặc dự án đầu tư nhóm III nằm trên địa bàn 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên, trừ các dự án thuộc thẩm quyền cấp phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an;
    • Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực.
  • Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền cấp giấy phép đối với các đối tượng phải có giấy phép môi trường không thuộc thẩm quyên cấp của các cơ quan trên.

5. Giấy phép môi trường có thời hạn bao lâu?

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường, tùy thuộc vào đối tượng phải có giấy phép môi trường, thời hạn của giấy phép môi trường là khác nhau:

  • Đối với dự án đầu tư nhóm I, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày 01/01/2022 có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I, giấy phép môi trường có thời hạn là 07 năm;
  • Đối với các đối tượng phải có giấy phép môi trường còn lại, thời hạn của giấy phép môi trường là 10 năm.

Thời hạn của giấy phép môi trường có thể ngắn hơn thời hạn quy định theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở.

6. Giải đáp một số thắc mắc

 

Giải đáp một số thắc mắc
Giải đáp một số thắc mắc

6.1. Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường là gì?

Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường là một trong những thành phần của hồ sơ xin cấp phép, gồm những nội dung sau:

  • Thông tin chung về dự án đầu tư;
  • Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường (nếu có);
  • Nội dung đề nghị cấp giấy phép môi trường.

Ngoài ra, tùy thuộc vào từng dự án đầu tư, cơ sở, báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường còn có các nội dung như:

  • Mô tả hiện trạng môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư; mô tả công nghệ sản xuất được đề xuất lựa chọn;
  • Đề xuất kế hoạch, các biện pháp xử lý chất thải kèm theo thuyết minh và phương án thiết kế xây dựng, phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, các công trình lưu giữ chất thải và công trình, thiết bị liên quan;
  • Kết quả hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường;
  • Đánh giá hiện trạng môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư;…

6.2. Không xin Giấy phép môi trường thì có bị xử lý không?

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 45/2022/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, trường hợp dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường nhưng không xin phép thì bị xử phạt vi phạm với hình thức xử phạt là phạt tiền. Mức tiền phạt cụ thể như sau:

  • Trường hợp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp của UBND cấp huyện, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tương đương UBND cấp huyện thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng;
  • Trường hợp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp của UBND cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tương đương UBND cấp tỉnh thì bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng;
  • Trường hợp giấy phép được cấp bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc các cấp tương đương thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

 6.3. Có được cấp lại, bổ sung giấy phép không?

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường, có hai trường hợp được cấp lại giấy phép môi trường:

  • Giấy phép môi trường đã hết hạn;
  • Có sự thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ sản xuất hoặc thay đổi làm tăng tác động xấu đến môi trường trừ trường hợp dự án đầu tư thay đổi thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường;

Giấy phép môi trường được sửa đổi, bổ sung trong trường hợp có sự thay đổi nội dung cấp phép trừ trường hợp thay đổi nội dung phải cấp lại giấy phép hoặc dự án đầu tư cơ sở có thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại hoặc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất sau khi kết thúc quá trình vận hành thử nghiệm.

7. Dịch vụ xin cấp giấy phép môi trường tại Luật Ánh Ngọc

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã có những sửa đổi bổ sung về thủ tục hành chính liên quan đến các loại giấy phép môi trường nhằm tinh giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp xin cấp giấy phép môi trường. Nắm bắt được khó khăn này, công ty Luật Ánh Ngọc với đội ngũ luật sư và chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm pháp lý trong lĩnh vực môi trường cam kết mang đến cho quý khách hàng dịch vụ xin cấp giấy phép môi trường uy tín, đầy đủ, hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí.

Tại Luật Ánh Ngọc, quý khách hàng sẽ được đội ngũ Luật sư hỗ trợ, tư vấn các nội dung sau:

  • Tư vấn pháp lý về điều kiện cấp phép, quy trình thủ tục xin cấp giấy phép môi trường;
  • Hỗ trợ, soạn thảo hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường như lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo xả thải vào nguồn nước, báo cáo quan trắc môi trường, tư vấn lập hồ sơ vận hành thử nghiệm các công trình,..
  • Hỗ trợ và/hoặc đại diện, thay mặt doanh nghiệp thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép môi trường;
  • Tư vấn, hỗ trợ các vấn đề phát sinh liên quan đến giấy phép môi trường như tư vấn cấp đổi giấy phép môi trường, thu hồi giấy phép môi trường, xử phạt liên quan đến giấy phép môi trường,...

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những cuốn sách hay về luật #phapluat #luatanhngoc #luatsu #xuhuong #sach

Xem thêm tại: https://luatanhngoc.vn/